Còn 4 ngày nữa, kỳ nghỉ 2/9 sẽ bắt đầu. Nói cho đúng, thì chỉ là hơn 3 ngày nữa: Với tâm lý chung của cộng đồng, kỳ nghỉ thật sự diễn ra ngay từ chiều tối thứ Sáu (30/8), khi mọi người kết thúc ngày làm việc cuối cùng của tháng 8, và cứ thế kéo dài một mạch cho tới hết thứ Ba của tuần sau.

Và cũng không lạ, nếu giống như mọi năm, từ chiều tối thứ Sáu cho tới trưa hôm sau, các trục đường dẫn ra ngoại ô của các đô thị lớn sẽ đều ken đặc xe cộ, thậm chí ùn tắc rất mạnh trong nhiều giờ.

Những hạn chế về hạ tầng vẫn thường được coi là nguyên nhân dẫn tới cảnh quá tải tại cửa ngõ thành phố trong mỗi kỳ nghỉ. Nhưng xa hơn, điều này còn đến từ việc rất nhiều người trong chúng ta đều muốn tận dụng ngay những giờ đầu tiên của “kỳ nghỉ” để rời thành phố.

Cũng dễ hiểu cho sự háo hức ấy. Tính từ dịp nghỉ lễ 30/4, phải sau 4 tháng làm việc, cộng đồng mới có thể một lần nữa “xả hơi” bằng kỳ nghỉ dài 4 ngày – khoảng thời gia đủ để mỗi gia đình có thể chủ động lên kế hoạch cho những chuyến du lịch dài hơi – hoặc đơn giản là về quê vài ngày, với những trường hợp xa nhà.

Góc nhìn 365: Lựa chọn nào trong kỳ nghỉ lễ? - Ảnh 1.

Và từ đó, không lạ khi mà theo những gì được phản ánh nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp nghỉ lễ. Chưa kể, nếu mọi thứ diễn ra giống như mọi năm, mạng xã hội rồi đây hẳn sẽ xuất hiện những bức ảnh ghi lại các bãi biển, các khu vui chơi đang ken đặc người trong kỳ nghỉ.

***

Như mọi kỳ nghỉ khác, đã có không ít cuộc tranh luận trên mạng xã hội về cách “sử dụng” quỹ thời gian trong dịp này. Và xét cho cùng, đó cũng chỉ là một phần của những cuộc tranh luận thường diễn ra trong mỗi gia đình, thậm chí trong sự cân đo của mỗi cá nhân, quanh chuyện đi chơi (hoặc về quê) vào ngày nghỉ lễ.

Đi chơi là chấp nhận những mệt mỏi đang chờ trước mặt về nạn kẹt xe, về mức giá vé (hoặc giá dịch vụ) có thể tăng so với ngày thường, về “viễn cảnh” phải hòa mình cùng một biển người đông nghẹt tại một số điểm du lịch.

Còn ở nhà? Vừa tiết kiệm sức (và cả túi tiền), nhưng bạn – và nhất là đám trẻ nhà bạn – có đủ bình tâm khi chứng kiến bạn bè, hàng xóm đang hăm hở rời thành phố trong dịp này? Và nữa, xét cho cùng, trong một năm trời, cũng chẳng có nhiều dịp cả gia đình, con cái cùng được tạm ngừng công việc, học hành và đồng hành cùng nhau trong một chuyến đi. Sự háo hức của con trẻ, sự thuận tiện về quỹ thời gian đủ là lý do ta chấp nhận những bất tiện đang chờ trước mặt.

Góc nhìn 365: Lựa chọn nào trong kỳ nghỉ lễ? - Ảnh 2.

Đó là những câu hỏi không bao giờ có đúng/sai mà chỉ phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Cho dù, với người viết, những “bài toán” hiện có cũng là tiền đề để cộng đồng dần thích nghi, và tự điều chỉnh vào những kỳ nghỉ lễ tương lai.

Nhìn lại, chúng ta mới chỉ trải qua 4 năm kể từ khi dịp nghỉ lễ 2/9 được “nới” rộng thành 2 ngày (hoặc 4 ngày nếu rơi vào cuối tuần). Sự háo hức của cộng đồng rồi đây sẽ dần trở về điểm cân bằng, nhất là khi chúng ta đặt nó trong tương quan với các kỳ nghỉ lễ dài ngày khác trong năm.

Có thể, rồi ta sẽ dần có sự chủ động để chọn đi chơi vào dịp 30/4 và ở nhà vào dịp 2/9 hoặc ngược lại. Có thể, đó sẽ là những chuyến đi ngắn ngày (để tránh cảnh tắc đường) – hoặc những kế hoạch được xây dựng từ sớm để tiết kiệm thời gian (và tiền bạc) ở mức tối đa. Rồi nữa, thay vì hình thức du lịch “truyền thống”, đó có thể là những hình thức du lịch không nhất thiết phải tới chỗ đông người như du lịch khám phá hay cả staycation (du lịch tại chỗ) vốn đang phát triển trong giới trẻ.

Còn bây giờ, khi ngày thứ Sáu đã tới gần, hay cứ chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ lễ một cách chu toàn – miễn là bạn tự biết rằng bản thân muốn tìm gì ở đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *