Site icon TK88

Tấm HCĐ Paralympic 2024 và bản lĩnh của Lê Văn Công

Bản lĩnh của Lê Văn Công - Ảnh 1.

Chiếc HCĐ của Lê Văn Công tại Paralympic 2024 không phải là chiến tích lớn nhất của lực sỹ này trên đấu trường thế giới. Anh vẫn đang là người giữ kỷ lục thế giới và cả Paralympic ở hạng cân 49kg. Tuy nhiên, việc Lê Văn Công hoàn tất bộ sưu tập huy chương vàng, bạc, đồng qua 3 kỳ Thế vận hội người khuyết tật liên tiếp là câu chuyện về bản lĩnh đáng suy nghĩ.

1. Lực sỹ 40 tuổi này là niềm hy vọng lớn nhất của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ở Paralympic 2024 và mặc dù không phải là HCV, thì Lê Văn Công vẫn hoàn thành nhiệm vụ có huy chương bất chấp chấn thương vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Dù đây là thể thao dành cho người khuyết tật, nhưng nếu quan sát toàn bộ cuộc hành trình của Lê Văn Công từ khi anh giành HCV tại ASEAN Para Games (SEA Games của thể thao người khuyết tật) năm 2007 đến nay, chúng ta cũng dễ nhận thấy thành tích của anh thay đổi nhiều như thế nào.

Từ mức 152kg, rồi tiến đến kỷ lục thế giới ở mức 183,5kg vào năm 2016. Ở Paralympic 2024, thành tích của anh là 171kg. Nói cách khác, đó là một nỗ lực tập luyện bền bỉ với những tiến bộ rất khích lệ cho mọi VĐV Việt Nam.

Thêm một góc nhìn khác. Lê Văn Công thành công ở môn cử tạ, một môn thi đấu có thể xem là lợi thế lớn cho VĐV Việt Nam nếu muốn chiến thắng ở Olympic, thông qua các hạng cân nhẹ phù hợp với thể chất. Cái cách Lê Văn Công hoàn tất bộ sưu tập huy chương cũng nhấn mạnh vào các yếu tố để cử tạ trở thành môn thể thao thế mạnh của Việt Nam. Vấn đề còn lại có lẽ nằm ở cách chúng ta làm chiến lược cũng như bản lĩnh của VĐV, qua tấm gương của lực sỹ Lê Văn Công.

2. Tuy nhiên, câu chuyện về bản lĩnh của lực sỹ Lê Văn Công càng cho thấy một khoảng trống lớn giữa tiềm năng của VĐV Việt Nam và cách mà thể thao Việt Nam sẵn sàng cho cuộc chinh phục đỉnh cao Olympic, thế giới.

Nói một cách thẳng thắn, là những gì mà thể thao Việt Nam đạt được ở mức độ này phần lớn dựa vào năng lực của VĐV hơn là việc chúng ta khai thác đầy đủ những tiềm năng ở họ. Năm 2016, thời điểm mà Lê Văn Công trở thành VĐV đầu tiên giành HCV tại Thế vận hội người khuyết tật, đó cũng là lúc Hoàng Xuân Vinh tạo kỳ tích ở môn bắn súng.

Thế nhưng như đã thấy, bắn súng Việt Nam không còn giữ được lợi thế của mình dù vẫn là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam. Phải chăng, chiếc HCV của Hoàng Xuân Vinh ngày đó chỉ đơn thuần là nỗ lực cá nhân của xạ thủ này?

Có rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ liên quan đến chiến lược vươn tầm của thể thao Việt Nam, nhưng có lẽ câu chuyện sát sườn nhất, có thể giải quyết trong ngắn hạn về mặt chuyên môn, đó là yếu tố bản lĩnh của VĐV. Năm nay Lê Văn Công đã 40 tuổi, thành tích cũng xuống dần theo giới hạn tuổi tác, nhưng ngay ở thể thao người khuyết tật, cũng chưa thấy ai thay thế.

Thế nên, trước khi nói đến chuyện đầu tư cơ sở vật chất ra sao, chọn lựa môn nào là thế mạnh để “tấn công” đấu trường thế giới, Olympic, thì việc rèn luyện bản lĩnh trong thi đấu là bài toán cần được xem xét thật sớm để khai thác được tốt những gì đang có trước khi chờ đợi một thế hệ mới, đến từ chiến lược dài hơi, trọng tâm nào đó.

Bởi có một thực tế là khi bước ra thi đấu ở Asiad hay Olympic, thành tích của VĐV thường kém hơn lúc tập luyện hoặc đấu vòng loại. Chúng ta tính toán được HCV rất dễ, thậm chí là chính xác đến từng con số, tại SEA Games nhưng lại không thể làm điều tương tự ở các đấu trường lớn hơn.

Phải chăng vì tại SEA Games, chúng ta không cần chơi hết sức vẫn thắng, nên tâm lý thoải mái, chơi đúng khả năng. Ngược lại, vì bản lĩnh không được tôi luyện nhiều nên ở các cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, thường không vượt qua chính mình. Có thắng, cũng là may mắn hoặc tạo bất ngờ ở các môn ít được kỳ vọng.

3. Như Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương nhìn nhận mới đây: “Thể thao Việt Nam cần nhiều chính sách và cách làm mới cả trong ngắn hạn lẫn tầm nhìn chiến lược”.

Cần phải thấy rằng, ngoài may mắn, thì đối với thể thao đỉnh cao đặc biệt là ở tầm châu lục, thế giới thì để có thành tích bắt buộc phải sở hữu yếu tố con người vượt trội và đầy đặn. Có tài năng là một chuyện, nuôi dưỡng và chăm chút như thế nào để tài năng ấy phát triển trọn vẹn những tố chất thiên bẩm để có đẳng cấp thế giới là chuyện hoàn toàn khác.

Cũng không nhìn đâu xa, “làn sóng” xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đã kết thúc nhanh như lúc bắt đầu. Những tài năng tốt nhất của bóng đá Việt Nam gần như không trụ nổi dù chưa phải đối diện với những giải đấu lớn nhất thế giới. Tức là xét ở góc độ trình độ, có thể là cầu thủ Việt Nam được đánh giá phù hợp với giải đấu mà họ tham dự, nhưng bản lĩnh chơi bóng thì lại không đủ, kể cả khi họ đã ở tuổi 23-25 khi xuất ngoại.

Thế nên, bản chất vấn đề vẫn nằm ở hệ thống thi đấu của thể thao trong nước. Quá ít trận đấu, hoặc tính cạnh tranh yếu, là nguyên nhân. Một cầu thủ từ 18 đến 21 mà chỉ chơi mỗi năm chưa đến 10 trận chính thức thì trình độ đã khó tăng, nói gì đến kinh nghiệm hay bản lĩnh.

Với các môn khác cũng vậy thôi, loanh quanh cũng chỉ là giải vô địch quốc gia, thiếu những sân chơi có tính nhà nghề, thi đấu vì tiền thưởng. Hãy xem cách mà đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vươn tầm châu lục trong 2 năm qua và quan sát những giải đấu quốc tế gần như gấp đôi về mặt số lượng so với bóng chuyền nam, thì sẽ có thể lý giải được phần nào.

Thi đấu càng nhiều, nhất là ở thời điểm còn trẻ, còn ở trạng thái tiềm năng, thì tự nhiên bản lĩnh sẽ được tích lũy sớm và giúp VĐV cải thiện thành tích đỉnh cao trong một thời gian dài chứ không đợi đến khi “gừng già… mới cay”

Tính đến thời điểm này, thể thao Việt Nam đã có đến hơn 15 môn khác nhau từng đoạt huy chương tại các kỳ Asiad cũng như Olympic, cho thấy tiềm năng về con người của chúng ta không nhỏ.

Thất bại trước mắt thuộc về phương pháp tiếp cận cũng như sự thiếu ổn định về nền tảng. Đó chính là nút thắt cần phải được cởi bỏ để giải quyết bài toán tại sao chúng ta có bề rộng nhưng lại thiếu chiều sâu.

Hôm qua (5/9), Lê Văn Công đã có những chia sẻ rất đáng chú ý trên trang cá nhân sau khi giành HCĐ Paralympic 2024. Anh viết: “Chiếc HCĐ không của riêng Công. Có thể so với hai kỳ Paralympic trước, đây là thành tích thấp nhất, bởi Công từng đoạt HCV Paralympic 2016 và HCB Pralympic 2020. Nhưng với riêng Công, chiếc HCĐ này mới thật sự ý nghĩa.

Ý nghĩa bởi Công không chỉ phải chinh phục đòn tạ, cạnh tranh với các đối thủ mạnh hàng đầu thế giới mà còn phải đã thật sự vượt qua những khó khăn của chính bản thân mình. Đó mới là thử thách lớn nhất để Công có mặt lên bục huy chương Paralympic 2024.

Công đã không có được thể trạng tốt nhất khi đến với Paralympic 2024 vì chấn thương vai dai dẳng. Sau lần cử 171kg, vai tôi đã rất đau. Dù vậy, Công vẫn cố gắng với hi vọng có thể tăng thành tích. Nhưng lần cử 176kg, vai đau nhói khiến suýt rớt tạ.

Thi đấu xong trở về, tay phải của tôi cũng bị xụi luôn, không thể cầm đũa ăn cơm. Dù sao, chiếc HCĐ cũng là niềm an ủi lớn. Nhưng điều quan trọng nhất Công muốn nói, đó chính là lời cảm ơn đến lãnh đạo Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM, Trung tâm HLTTQG TP.HCM, Ban huấn luyện tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam.

Không có sự ủng hộ, giúp đỡ của họ, Công chắc chắn không thể đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật. Đây là đấu trường mà Công luôn khao khát được tham dự.

Ngoài ra, Công cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ mình suốt những năm tháng đã qua. Đặc biệt là vợ con, người thân của Công đã hy sinh rất nhiều để Công có thể theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Cảm ơn các nhà tài trợ đã luôn tiếp sức cho Công trên hàng trình thể thao của mình. Thế nên, HCĐ này không phải phần thưởng của riêng Công, mà là của tất cả chúng ta!

Sau khi trở về, Công sẽ nỗ lực chữa trị chấn thương để có thể trở lại thi đấu với phong độ tốt nhất, gặt hái thêm nhiều thành công cho thể thao người khuyết tật Việt Nam trong tương lai.

Exit mobile version