Site icon TK88

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic Paris 2024: ‘Thể thao người khuyết tật cần sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội’

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024: “Thể thao người khuyết tật cần thêm sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội” - Ảnh 1.

Trước giờ bước vào thi đấu tại Paralympic 2024, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 chia sẻ, để thể thao người khuyết tật (TTNKT) phát triển, cần thêm hỗ trợ từ nguồn lực xã hội, bên cạnh sự quan tâm và chăm lo của nhà nước.

Lực lượng VĐV giảm sút và ngày càng già đi

* Xin chào ông Nguyễn Hồng Minh. Chỉ còn ít ngày nữa, đoàn TTNKT Việt Nam sẽ bước vào cuộc thi đấu tại Paralympic 2024 và ông có thể chia sẻ về sự chuẩn bị cho kỳ Đại hội lần này?

– Ông Nguyễn Hồng Minh: Đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 HLV và 7 VĐV. Các tuyển thủ gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh).

Quá trình chuẩn bị cho Paralympic 2024 diễn ra theo kế hoạch từ công tác tập huấn, chuẩn bị chuyên môn cho đến thi đấu giành suất và sắp tới là vào cuộc chính thức tại đại hội. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, Cục TDTT, sự hỗ trợ, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan công tác chuẩn bị cũng có những thuận lợi.

Các VĐV được lựa chọn để thi đấu giành suất đã được tập huấn thường xuyên, dài hạn tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM và Đà Nẵng. Đồng thời, được tạo điều kiện thi đấu quốc tế nhằm nâng cao trình độ và tích lũy kinh nghiệm theo điều kiện tốt nhất có thể tại thời điểm hiện tại. Ngoài ra, công tác chăm sóc y tế, dinh dưỡng, sức khỏe cũng được đảm bảo.

Dù vậy, cũng có những khó khăn mà tất cả đều cảm nhận được. Lực lượng VĐV có trình độ chuyên môn tốt ngày một giảm sút và đều đã lớn tuổi, thể lực suy giảm sau mỗi chu kỳ Đại hội và không xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới. Kể từ sau kỳ Paralympic gần nhất, số lượng VĐV trẻ tiềm năng rất hạn chế.

Điều này xuất phát từ thực tế là người khuyết tật tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn nhất định trong việc tham gia vào thể thao. Ở đây, cần hiểu rõ, việc tập luyện theo phong trào, nâng cao sức khỏe với người khuyết tật có thể không ít về số lượng nhưng để trở thành VĐV đi thi đấu và giành thành tích là cả vấn đề vì bản thân người khuyết tật hầu hết đều yếu thế, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

* Thực tế cho thấy là nhiều VĐV TTNKT Việt Nam có hoàn cảnh rất khó khăn. Có nhiều trường hợp vừa tập luyện, vừa lao động kiếm sống. Theo ông, chế độ đãi ngộ cho VĐV TTNKT phải chăng cũng là một rào cản khiến chưa có nhiều người đến với thể thao?

– Khi xây dựng chế độ đãi ngộ cho các VĐV TTNKT, ngành thể thao cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, vừa phải phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đảm bảo sự hài hòa, cân bằng và không tạo ra cảm giác có sự phân biệt. VĐV của đội tuyển quốc gia TTNKT được hưởng các chế độ tiền công tập luyện, tiền ăn giống như các VĐV thể thao thành tích cao.

Hiện nay theo quy định, mỗi tuyển thủ TTNKT quốc gia nhận tiền công tập luyện 270.000đ/ngày (tương đương 7.020.000đ/tháng), chế độ tiền ăn là 320.000đ/người/ngày và sẽ tăng lên tùy mức độ khi chuẩn bị cho các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Các chế độ khác cũng tương tự như là VĐV ĐTQG thể thao thành tích cao.

Có một chút khác biệt về chế độ của VĐV TTNKT so với VĐV bình thường là tiền thưởng ở các kỳ đại hội hoặc giải đấu quốc tế. Điều này xuất phát từ đặc thù trong thi đấu thể thao, mức độ và tính chất cạnh tranh ở các giải đấu là khác nhau. Ví dụ VĐV giành HCV Olympic sẽ nhận 350 triệu đồng, còn tiền thưởng cho VĐV giành HCV Paralympic là 220 triệu đồng.

TTNKT cũng cần được đầu tư bài bản mới giành thành tích cao

* Ông đã từng nhiều lần đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam dự các đại hội thể thao quốc tế từ khu vực, châu lục và thế giới. Để giành được thành tích cao trong thi đấu, không chỉ đơn thuần là sự nỗ lực, quyết tâm của VĐV?

– Qua nhiều cuộc thi đấu và quan sát thực tế từ các kỳ đại hội quốc tế lớn, để giành được thành tích cao đối với TTNKT quả thật cũng cần sự đầu tư, chăm sóc và huấn luyện rất bài bản, chuyên nghiệp. So sánh với thể thao thành tích cao thì cũng không quá khác biệt, vì như tôi đã đề cập, chơi để vui khỏe là câu chuyện khác so với tập luyện để thi đấu giành huy chương.

Khi tham dự Paralympic, tôi đã chứng kiến các đoàn TTNKT của Mỹ hay châu Âu họ đều chuẩn bị giống như cho VĐV dự Olympic. Cũng có lực lượng hậu cần rất đông đảo để hỗ trợ, họ chuyển tới cả container phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, máy móc… để VĐV tập luyện, chuẩn bị chuyên môn.

Hay như với 1 VĐV TTNKT nổi tiếng của Singapore ở môn bơi có 4 HLV phụ trách 4 mảng công việc gồm chuyên môn, thể lực, dinh dưỡng và tâm lý. Ngay trong khu vực, các đoàn như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia cũng có sự đầu tư rất tốt, phát triển thêm các môn khác.

Ví dụ như muốn có môn xe đạp, thì cần có xe để tập luyện với giá 100 triệu đồng mỗi chiếc. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể làm được như vậy, song từ thực tiễn cho thấy, để hỗ trợ tối đa cho các VĐV TTNKT giành được huy chương thì cũng cần sự chăm sóc, đầu tư như thể thao thành tích cao.

* Như ông vừa chia sẻ thì có sự khác biệt rất lớn giữa TTNKT Việt Nam so với quốc tế?

– Sự đầu tư cho thể thao thành tích cao hay TTNKT còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia và với thể thao Việt Nam nói chung còn nhiều khó khăn. Những người làm chuyên môn thì luôn ước mơ có điều kiện tối đa để nâng cao thành tích song cũng cần nhìn nhận vào thực tế để từng bước khắc phục.

Với TTNKT Việt Nam, chúng ta chăm lo cho VĐV theo điều kiện thực tiễn và ngoài sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, rất cần tới sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống, nâng cao thành tích và giúp đỡ các VĐV có cuộc sống tốt hơn.

Tôi rất mừng khi thấy có VĐV như Lê Văn Công, sau khi giành được nhiều huy chương, thành tích tốt ở đấu trường lớn, đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các nhãn hàng, các nhà tài trợ, cá biệt có năm lên tới 600 triệu đồng.

Rõ ràng, nếu có sự khích lệ, động viên từ xã hội thì sẽ giúp VĐV yên tâm tập luyện, đảm bảo được cuộc sống và truyền cảm hứng cho các VĐV TTNKT khác cùng gắn bó. Ngoài ra, hình ảnh của Lê Văn Công cũng tác động rất tích cực tới xã hội và cho TTNKT nói riêng.

Thông qua việc tham dự Paralympic lần này, đoàn TTNKT Việt Nam muốn truyền tải thông điệp tới người hâm mộ về sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của các VĐV. Từ đó, xã hội ghi nhận và tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ cho người khuyết tật nói chung hòa nhập tốt hơn ở nhiều lĩnh vực như học tập, lao động, làm việc để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Vào lúc 2h00 ngày 29/8 (giờ Việt Nam), Đoàn TTNKTVN sẽ dự lễ khai mạc Paralympic 2024 với 10 thành viên. VĐV Lê Văn Công và Châu Hoàng Tuyết Loan được giao nhiệm vụ cầm cờ cho đoàn diễu hành trong lễ khai mạc Đại hội, diễn ra tại Quảng trường Concorde và Đại lộ Champs Elysees, Paris, Pháp. Sau lễ khai mạc, kình ngư Đỗ Thanh Hải và Lê Tiến Đạt sẽ là 2 VĐV Việt Nam đầu tiên vào cuộc thi đấu ở vòng loại nội dung 400m ếch, hạng thương tật SB5 vào ngày 1/9.

Exit mobile version