Site icon TK88

Lễ kỷ niệm đầu tiên “Ngày Độc lập” & “Nhật lệnh” của Chủ tịch Quân sự Uỷ viên hội Võ Nguyên Giáp

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Lễ kỷ niệm đầu tiên "Ngày Độc lập" & "Nhật lệnh" của Chủ tịch Quân sự Uỷ viên hội Võ Nguyên Giáp - Ảnh 1.

(LTS) Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, lễ kỷ niệm lần đầu tiên “Ngày Việt Nam Độc lập” được tổ chức bên Hồ Hoàn Kiếm vào ngày 2/9/1946. Chính tại buổi lễ trọng thể này, Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đã đọc bài “Nhật lệnh” đầu tiên… Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Giờ đây, ai cũng đều biết, ngày 2 tháng 9 được gọi là “Ngày Quốc khánh”, điều này đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng sau Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, nơi và thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, thì ngày 2/9 những năm tiếp theo được định danh là “Ngày Việt Nam Độc lập” (theo sắc lệnh ký ngày 18/2/1946); còn theo sắc lệnh ký ngày 26/7/1946 thì “ngày 19 tháng 8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm 1945, từ nay sẽ là ngày Quốc khánh Việt Nam”.

Ngày 2/9/1946, lễ kỷ niệm “Ngày Việt Nam Độc lập” đầu tiên diễn ra vào một thời điểm đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang có chuyến đi thăm chính thức nước Pháp rồi sau đó ở lại tiếp tục sứ mệnh vận động hòa bình, ngăn chặn ý đồ gây hấn của các thế lực thực dân trong chính giới Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân Pháp cũng như quốc tế cho sự nghiệp độc lập, thống nhất và hòa bình ở Việt Nam. Trên thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội ngày 31/5/1946 và cho đến ngày 20/10/1946 mới về tới Hải Phòng.

Đó cùng là thời điểm tình hình trong nước rất phức tạp, các thế lực thực dân ở Đông Dương vẫn tìm cách gây hấn để kiếm cớ quay lại tiêu diệt nhà nước Việt Nam độc lập còn non trẻ. Quân Tưởng đã rút khỏi miền Bắc từ sau Hiệp ước sơ bộ 6/3 ký với Pháp, các thế lực đối lập và thù địch trong nước vẫn tiếp tục chống phá; các khó khăn về kinh tế, xã hội tuy đã được khắc phục bước đầu nhưng vẫn là một gánh nặng lớn của chính phủ. Việt Nam vẫn bị cô lập trước thế giới, Anh và Mỹ đã ngả hẳn sang chính sách ủng hộ Pháp ở Đông Dương.

Cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của Pháp vẫn đang diễn ra ở Nam Bộ. Còn ở miền Bắc, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì chính sách mềm dẻo, tránh xung đột với Pháp nhưng cũng khẩn trương chuẩn bị lực lượng để kháng chiến lâu dài mà xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang (lúc này là Vệ Quốc đoàn) là nhiệm vụ hàng đầu.

Trong tình hình ấy, ở trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương tuy đã rút vào bí mật bằng tuyên bố “tự giải tán” (11/1945) nhưng trên thực tế vẫn kiên định chỉ đạo cùng Mặt trận Việt Minh lấy khối đại đoàn kết toàn dân làm bức trường thành giữ vững nền độc lập. Bên cạnh cụ Huỳnh Thúc Kháng, vị nhân sĩ không đảng phái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh “gửi gắm” trọng trách khi xa Tổ quốc, có Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình trong Đảng và Mặt trận cùng gánh vác…

***

Kỷ niệm lần đầu tiên “Ngày Việt Nam Độc lập” 2/9/1946 được tổ chức bên Hồ Hoàn Kiếm (vì khu vực Ba Đình gồm Dinh Toàn quyền cũ và Thành Hà Nội, cùng với khu dinh thự và dân sự của người Âu, quân Pháp đã kiểm soát). Lễ đài đặt trước Vườn hoa Chí Linh (trước là Vườn hoa Paul Bert nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Các nghi thức và cuộc diễu binh được diễn ra dọc đường Đinh Tiên Hoàng và tại địa điểm trước cửa Đền Ngọc Sơn, một Đài tưởng niệm liệt sĩ đã được dựng lên để quan chức chính phủ và nhân dân đến tưởng niệm…

Chính tại buổi lễ trọng thể này, Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đã đọc bài “Nhật lệnh” đầu tiên nêu rõ sứ mệnh của lực lượng vũ trang của nhà nước cách mạng trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập quốc gia.

Sau “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” (12/1944) của Bác và “Quân lệnh số 1” của Uỷ ban Khởi nghĩa (13/8/1945)… thì bản “Nhật lệnh” này là một văn kiện quan trọng gắn với sự hình thành và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xin giới thiệu toàn văn bản “Nhật lệnh” do Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ kỷ niệm lần đầu “Ngày Việt Nam Độc lập” (nay là Quốc khánh) và một vài hình ảnh có liên quan:

“Nhật lệnh”

Các tướng lĩnh,

Các đội viên Vệ quốc quân Trung, Nam, Bắc!

Các đội trưởng và đội viên Tự vệ chiến đấu, Tự vệ dân quân Trung, Nam, Bắc!

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập, tôi xin thay mặt Chính phủ gửi lời chào thân ái đến toàn thể bộ đội và tổ chức Tự vệ khắp Trung, Nam, Bắc!

Năm ngoái, cũng ngày mồng 2 tháng 9 này, Chính phủ nhân dân lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân và thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố quyền tự do và độc lập của nước Việt Nam cùng quốc dân và thế giới.

Ngày Độc lập mồng 2 tháng 9 là một ngày rực rỡ vinh quang trong lịch sử của nước nhà, là ngày mà bộ đội Vệ quốc quân và các tổ chức Tự vệ đã cùng toàn dân thề quyết hy sinh đến cùng để bảo vệ quyền tự do và độc lập cho đất nước.

Ngày Độc lập là kết quả của cả một quá trình đấu tranh của nhân dân và bộ đội. Chúng ta ai cũng còn nhớ những chiến công huy hoàng của Đội Cứu quân Bắc Sơn, của Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân, của Đội du kích Ba Tơ, những tiền thân của Vệ quốc quân ngày nay. Chúng ta ai cũng còn ghi nhớ truyền thống hy sinh anh dũng, khắc khổ nhẫn nại, quân dân nhất trí, đã giúp cho các đội quân ấy đi đến thắng lợi.

Chúng ta ai cũng còn đặc biệt ghi nhớ tinh thần kiên quyết dũng cảm của các đội quân ấy và các tổ chức Tự vệ trong những ngày tháng Tám năm ngoái, khi được mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa, đã phối hợp cùng toàn dân vũ trang đứng dậy giành lấy chính quyền.

Từ ngày Độc lập năm ngoái đến nay, để bảo vệ nhân dân, toàn thể bộ đội và các tổ chức Tự vệ đã ra sức luyện tập, chịu rất nhiều hy sinh gian khổ, bất luận trong các đồn trại ở hậu phương hay trong khói lửa ở tiền tuyến.

Ở Bắc Bộ, Vệ quốc quân đã dẹp yên giặc cỏ ở các miền Chí Linh, Đông Triều, An Châu, Sơn Đông, Lạng Sơn, Cao Bằng và nhiều địa phương khác.

Đặc biệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ, Vệ quốc quân, trong đó có các đoàn quân Nam tiến, và các đội Tự vệ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ những thắng lợi mà cuộc Cách mạng tháng Tám đã mang lại cho nước nhà. Sài Gòn, Nha Trang, các chiến trường khác ở miền Nam sẽ ghi mãi những chiến công oanh liệt của quân ta. Từ ngày mồng 6 tháng 3, trong hoàn cảnh phải chiến đấu để tự vệ, bộ đội ta ở miền Nam đã sát cánh với nhân dân hơn bao giờ hết, trong những điều kiện vô cùng gian khổ, đã bảo toàn được thực lực và danh dự của Vệ quốc quân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Bộ đội ta đã thu được nhiều thành tích như vậy là nhờ trong lúc chiến đấu, toàn dân nhiệt liệt ủng hộ bộ đội, đặc biệt là các anh chị em thợ thuyền trong các binh công xưởng, các anh chị em các ngành chuyên môn có quan hệ trực tiếp với bộ đội, như tiếp tế quân lương, y tế…

Trải qua một thời gian xây dựng và chiến đấu, bộ đội ta đã ngày càng lớn mạnh. Vệ quốc quân tuy lịch sử chưa lâu dài, nhưng truyền thống chiến đấu thì rất vẻ vang. Ấy là vì chúng ta không những học tập được những kinh nghiệm của những bộ đội tiền thân trực tiếp mà lại hưởng được tất cả những kinh nghiệm quý báu của tổ tiên ta đời trước: chiến thuật dùng đoản binh thắng đại binh của Trần Hưng Đạo, tinh thần trường kỳ kháng chiến của Lê Lợi, lối dùng binh lỗi lạc của Quang Trung, chiến thuật du kích rừng núi của Hoàng Hoa Thám, chiến thuật du kích đồng bằng của Nguyễn Thiện Thuật.

Hôm nay, kỷ niệm Ngày Độc lập, nhớ tiếc các tướng lĩnh và đội viên đã hy sinh vì nước, nêu cao những gương xung phong dũng cảm, bộ đội ta cùng nhau hứa hẹn phải nỗ lực thêm nữa.

Nhân danh Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội, tôi ra lệnh:

1. Cho toàn thể Vệ quốc quân: phải tiến tới trên con đường chính quy hóa, đồng thời phải giữ vững những đức tính của một bộ đội du kích, phải triệt để phục tùng thượng lệnh, ra sức nghiên cứu kỹ thuật và chiến thuật, nêu cao tinh thần chiến đấu.

2. Cho các cán bộ: phải tiến tới trong việc cầm quân, học tập chiến thuật và kỹ thuật, phải nâng cao trình độ và chỉnh đốn tổ chức của các cơ quan tham mưu, chính trị, quân nhu, tiếp tế…

3. Cho Vệ quốc quân và các tổ chức Tự vệ và Dân quân miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ: phải bảo toàn thực lực, bảo vệ nhân dân, luôn luôn cảnh giác, đề phòng những âm mưu khiêu khích của đối phương.

4. Cho tất cả các tổ chức Tự vệ: phải nỗ lực nâng cao kỷ luật và trình độ quân sự; bộ đội thì phải ra sức giúp đỡ các tổ chức Tự vệ và phối hợp khăng khít với nhau.

5. Cho toàn thể Vệ quốc quân và các tổ chức Tự vệ: phải bảo vệ nhân dân, thực hiện quân dân nhất trí.

Cuộc chiến đấu của chúng ta và sự phấn đấu của toàn dân đã đưa dân tộc đến Ngày Độc lập. Chúng ta cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ thống nhất của nước nhà. Chúng ta sẽ tiến tới một đội quân quốc gia chính quy, thống nhất, cả Trung – Nam – Bắc, đủ lực lượng để giữ gìn đất nước. Nỗ lực theo chí hướng đó tức là kỷ niệm Ngày Độc lập một cách xứng đáng vậy.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!

Việt Nam Vệ quốc quân muôn năm!

Tinh thần anh dũng của các tổ chức Tự vệ và Dân quân muôn năm!

Tinh thần quân dân nhất trí muôn năm!

Việt Nam độc lập muôn năm!

Hồ Chủ tịch muôn năm!

Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 1946

Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội

Võ Nguyên Giáp

Exit mobile version