Site icon TK88

Chào tuần mới: Khi bão đi qua…

Chào tuần mới: Khi bão đi qua… - Ảnh 1.

Cuối tuần qua, chúng ta vừa đón cơn bão lớn nhất từ đầu năm 2024 – siêu bão Yagi. Cho đến giờ, một số đô thị tại miền Bắc vẫn đang khắc phục những hậu quả mà nó để lại.

Và trong số những đô thị ấy, có cả Thủ đô Hà Nội.

Nhìn lại, phải rất lâu rồi, thành phố này mới phải hứng chịu một cơn bão có cường độ mạnh như vậy. Bởi thế, với rất nhiều bạn trẻ – nhất là thế hệ gen Z – đó là một trải nghiệm chưa từng gặp.

Ở những giờ cao điểm của cơn bão Yagi 7/9, người dân Hà Nội được chứng kiến nhiều cảnh tượng mà ngày thường khó có thể hình dung. Đó là những cánh cửa sổ rung bần bật tới mức nứt cả bản lề, cửa kính vỡ vụn, mái tôn bị gió cuốn thẳng lên bầu trời hay những người đi xe máy ngã dúi dụi vì sức gió.

Rồi, cũng gần như lần đầu tiên, nhiều cư dân đang sống tại các cao ốc trong thành phố đã phải tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm chống bão ở nhà cao tầng – kể từ chuyện dùng băng keo cố định cửa kính, che bịt khoảng hở nơi khe cửa, xử lý ban công bị ngập nước, hay cả việc giữ an toàn trong một vài “khoảng lặng” ngắn ngủi, giữa lúc cơn bão đang ở cao trào.

Rồi, vào sáng qua 8/9, cũng hầu như chưa bao giờ người dân Thủ đô lại chứng kiến cảnh đường phố ngổn ngang nhiều cây xanh bị bão xô đổ tới vậy, trong sự xót xa và nuối tiếc…

***

Do đặc điểm địa lý, vài chục năm qua, Hà Nội ít khi phải hứng chịu những cơn bão lớn như vẫn có ở vùng duyên hải. Và vài chục năm ấy cũng là quãng thời gian mà thành phố chuyển mình trong cơn lốc đô thị hóa, với hàng loạt khối cao ốc mọc lên hay những thay đổi trong tổ chức hạ tầng.

 Bởi thế, không lạ khi lần này, nhiều người ngỡ ngàng khi phải đối phó với những điều “chưa từng gặp” trong một cơn bão lớn.

Nhưng ở hướng ngược lại, những ngày qua, chúng ta lại đang gặp không ít chuyện “quen mà lạ”.

Đó là những chiếc ô tô chủ động đi rất chậm, tình nguyện làm “lá chắn” che gió lớn, giúp những  người đi xe máy vượt qua cầu Nhật Tân một cách an toàn chỉ vài giờ trước khi bão tới. Hình ảnh ấy khiến ta nhớ tới câu chuyện tương tự tại cầu Rồng (Đà Nẵng) trong cơn bão số 6 vào năm 2020, vốn từng gây xúc động với rất nhiều người.

Đó là hàng chục địa chỉ liên tục được chia sẻ trên mạng của những nhà nghỉ, trụ sở doanh nghiệp  – và cả gia đình riêng – mở rộng cửa đón những người có nhà cửa tạm bợ hoặc gặp khó khăn vào tránh bão, kèm theo hỗ trợ đồ ăn và chỗ nghỉ.  Hoặc, trực tiếp hơn, có không ít lời mời “vào nhà trú tạm” được người dân chủ động đưa ra với những trường hợp bị kẹt giữa đường giữa lúc bão to.

Đó là chuyện trở thành “anh nuôi” bất đắc dĩ của những chiến sĩ công an phường Mễ Trì, sau khi chủ động đưa hàng chục người dân vào trụ sở công an phường tránh bão. Lỡ bữa tối, người dân được chia sẻ những bát mì nóng nấu vội, trong lúc chờ bão tan để có thể về nhà.

Và nhiều câu chuyện tương tự có thể được kể tiếp – như mọi câu chuyện về sự chia sẻ mà ta từng nghe khi bão về, ở bất cứ đâu.

Bởi, bão lũ là thời điểm mà con người luôn phải đối diện với nhiều nghịch cảnh. Và khi ấy, như một tất yếu, mọi “sân si” trong cuộc sống đều dễ dàng được gạt sang một bên, để cộng đồng cùng đến với nhau bằng sự cảm thông và nhân ái…

Exit mobile version