Sân khấu Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở kịch Cơn mê cuối cùng (kịch bản: Ngọc Linh, đạo diễn: Ái Như) với sự nghiêm túc đáng nể. Các tác phẩm của nhà viết kịch Ngọc Linh (1931 – 2002) thường có vài tầng nghĩa, mà tầng nào cũng sắc sảo, sâu lắng.

1. Kịch bản này đã từng được dựng tại sân khấu IDECAF với những nghệ sĩ gạo cội như Tấn Thành, Kim Xuân và cả những nghệ sĩ trẻ của Hoàng Thái Thanh hơn 10 năm trước như Quang Thảo, Hoàng Vân Anh… Trở lại với phiên bản mới, với dàn diễn viên mới, nhưng chất lượng của Cơn mê cuối cùng không hề thua kém, vẫn khiến trái tim người xem rung động, đau đớn.

Ông Hai Khương (Trí Quang thủ vai) có một gia đình hạnh phúc nơi cái xóm cù lao thanh bình miền sông nước. Đối với người dân ở đây, ông được tôn sùng, kính trọng như một “thành hoàng sống” bởi sự hy sinh, lăn xả vào cứu giúp xóm giềng mà không nề hà hiểm nguy hoặc lợi ích.

Kịch "Cơn mê cuối cùng": Tốt xấu không có bài toán trừ - Ảnh 1.

Thế rồi một ngày nọ, Hai Khương đã cứu sống và cưu mang cô gái trẻ tên Mận (NSƯT Tuyết Thu) trong cơn bão lũ.

Sự xuất hiện của Mận trong gia đình tưởng chừng đã viên mãn yêu thương với lời ước hẹn giữa cô và con trai của Hai Khương là Dũng (Đoàn Minh Tài). Nhưng bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm ẩn được cài cắm khéo léo, mối quan hệ giữa cô gái trẻ xinh tươi không cùng huyết thống và những người đàn ông dưới một mái nhà ngày một chông chênh. Đó là những tò mò giới tính của cậu Út Hơn (Thành Hội), người em trai nửa điên nửa tỉnh của bà Hai. Hoặc những cơn say khiến ông Hai Khương tưởng nhầm Mận là bóng hình người đàn bà mình từng si mê đến mức vượt rào đạo đức. Để rồi đỉnh điểm là tiếng thét của Mận trong đêm tối, một bi kịch dễ đoán trước, nhưng vẫn xót xa.

Bài viết liên quan đến Sân khấu

Kịch "Cơn mê cuối cùng": Tốt xấu không có bài toán trừ - Ảnh 2.

Ở thời điểm hiện tại, câu chuyện của Cơn mê cuối cùng không quá xa lạ. Khán giả có thể nhìn thấy mô-típ kinh điển này ở đâu đó trong nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Nhưng cách dẫn dắt thông minh vẫn khiến người xem phải tập trung theo dõi trong diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Sự dồn nén được thể hiện tinh tế qua những câu thoại, những chi tiết đời thường của gia đình Hai Khương.

Sự việc qua đi, người ta vẫn sống, vẫn sinh hoạt, nhưng tổn thương vẫn còn đó, những ẩn ức vẫn chực chờ bùng nổ. Đặc biệt là hình hài bé bỏng của đứa trẻ ra đời sau đêm oan nghiệt cùng sự trở về của Dũng càng khoét sâu thêm không khí căng thẳng, bức bối trong gia đình Hai Khương. Khi sự hoài nghi chưa có lời giải đáp, khi sự thật vẫn còn bị che giấu thì người điên vẫn còn tỉnh tỉnh mê mê, làm sao có được yên lòng?

Kịch "Cơn mê cuối cùng": Tốt xấu không có bài toán trừ - Ảnh 3.

2. Vở diễn được khép lại bằng lựa chọn nhân hậu, đậm chất miền Tây. Thông qua nhân vật ông Hai Khương, soạn giả Ngọc Linh đã gửi gắm một triết lý sống thâm thúy. Con người không ai hoàn hảo 100%. Câu thoại đắt giá trong vở “Tốt, xấu không có bài toán trừ”, dĩ nhiên, nhưng có lẽ điều đó nên dành cho lương tâm của kẻ gây ra tội lỗi. Còn chúng ta vẫn nên chấp nhận một “phép trừ”, chấp nhận sự bù đắp tội lỗi bằng cái tốt, cũng còn hơn không.

Cuộc sống là như vậy, nó luôn luôn đi tới, luôn luôn hướng về phía trước, như dân cù lao ấy vẫn phải sống, vẫn gặp nguy nan, vẫn cần ông Hai Khương cứu giúp, thì ông Hai Khương vẫn cần được tồn tại. Thực tế thường khó có phương án hoàn hảo để giải quyết một bi kịch, chỉ có thể dừng nó lại bằng sự tha thứ. Tha thứ không chỉ là bao dung với người khác, mà còn là bao dung với chính mình.

Kịch "Cơn mê cuối cùng": Tốt xấu không có bài toán trừ - Ảnh 4.

Dàn nghệ sĩ của Hoàng Thái Thanh cực kỳ giỏi nghề. Họ diễn tinh tế trong từng ánh mắt, từng cái run tay, bối rối… Đặc biệt Ái Như trong vai bà Hai Khương diễn xuất sắc cảnh hấp hối, không cần một câu thoại nào. Tuyết Thu vai Mận trong trẻo, hồn nhiên, tung hứng cùng Thành Hội biến thành cậu Út Hơn khờ khờ dễ thương vô cùng. Đoàn Minh Tài, Ngọc Duyên, Thái Quốc, Ma Ran Đô… cũng làm nên sự sống động.

Tuy nhiên, nên bớt đi chút xíu ồn ào của các vai phụ, vì nếu ai từng sống ở miền Tây sẽ hiểu cái ồn ào của người dân quê rất khác cái ồn ào của dân chợ thị thành. Biết là chêm vào để có hài, nhưng dung dị một chút vẫn hơn.

Kịch "Cơn mê cuối cùng": Tốt xấu không có bài toán trừ - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, sự trở lại lần này của Cơn mê cuối cùng cũng cho thấy những tìm tòi mới mẻ trong cách dàn dựng. Hình ảnh của nhà tranh, mái lá, giường tre, góc vườn đậm tính thân thuộc được kết hợp khéo léo với hơi thở hiện đại, nhưng vẫn không mất đi nét man mác của sông nước miền Tây. Kỹ thuật ánh sáng laser giúp tăng hiệu quả thị giác, góp phần thể hiện trực quan sự chông chênh, dữ dội của lòng người.

Chủ đề:
Thẻ:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *